Dự kiến thành lập trung tâm tái tạo năng lượng
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 40/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia tại cuộc họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo nhằm giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật, quản trị quốc gia trong lĩnh vực này.
Thông báo nêu rõ, cần tiếp tục quán triệt quan điểm và thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc thực hiện cam kết tại COP 26, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đối tác chiến lược của ta để đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là tài chính, công nghệ, trình độ quản trị, đào tạo nhân lực...,phục vụ phục hồi phát triển kinh tế và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu. Đây là chủ trương nhất quán của ta đồng thời phù hợp xu thế tất yếu của thế giới.
Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo cần tiếp tục khẩn trương thực hiện hiệu quả Chương trình công tác và các nhiệm vụ trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo (văn bản số 30/TB-VPCP ngày 30/1/2022 của Văn phòng Chính phủ).
Các Bộ, ngành liên quan, theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân công trong Ban Chỉ đạo, báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các chiến lược, kế hoạch về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, trong đó có nội dung về các cam kết tại COP 26 của Bộ, ngành mình, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo nhằm giúp đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật, quản trị quốc gia trong lĩnh vực này.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật đề nghị Vương quốc Anh và các đối tác phát triển giúp Việt Nam nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết tại COP 26.
Bộ Thông tin và Truyền thồng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án truyền thông, bao gồm việc thiết lập các trang thông tin về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức tốt các phiên họp định kỳ và đột xuất, trước mắt là phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Nguồn:Chinhphu.vn