Enzyme đột biến phá vỡ nhựa trong vài giờ
Công ty Carbios của Pháp phát triển thành công một loại enzyme đột biến từ vi khuẩn giúp tái chế rác thải nhựa hiệu quả hơn.
Hàng tỷ tấn rác thải nhựa đang gây ô nhiễm trên khắp hành tinh, từ Bắc Cực đến rãnh đại dương sâu nhất thế giới, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển. Trong khi các nhà hoạt động vì môi trường đang nỗ lực vận động mọi người giảm sử dụng nhựa, công ty Carbios - với việc tạo ta enzyme có thể phá vỡ cấu trúc nhựa trong vài giờ - tin rằng tái chế mới là chìa khóa để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Nhóm nghiên cứu, do Giáo sư Alain Marty từ Đại học de Toulouse của Pháp dẫn đầu, đã sàng lọc 100.000 vi sinh vật trước khi chọn ra loài vi khuẩn, được phát hiện lần đầu vào năm 2012 trong một đống phân ủ, để phát triển enzyme mới, theo công bố trên tạp chí Nature hôm 8/4.
Marty cùng các cộng sự đã phân tích enzyme LLC tìm thấy trong vi khuẩn và tạo ra các đột biến cho phép phá vỡ nhựa PET thành các khối xây dựng hóa học riêng rẽ chỉ trong vài giờ. Enzyme có thể hoạt động ổn định ở nhiệt độ cao lên tới 72°C, gần "nhiệt độ lý tưởng" để nhựa xuống cấp nhanh. Vật liệu sau đó được sử dụng để tạo ra các chai nhựa đựng nước mới.
Carbios có kế hoạch sản xuất enzyme ở quy mô công nghiệp trong 5 năm tới. Để hiện thực hóa tham vọng, nhóm phát triển cho biết đã đạt thỏa thuận hợp tác với Novozymes, một công ty công nghệ sinh học toàn cầu có trụ sở tại Bagværd, Đan Mạch.
"Chúng tôi là nhà sản xuất đầu tiên đưa công nghệ này ra thị trường. Mục tiêu của công ty là hoạt động ở quy mô công nghiệp vào năm 2024 hoặc 2025", Martin Stephan, Phó giám đốc điều hành tại Carbios cho biết.
Do rác thải cũng cần được nghiền nhỏ và làm nóng trước khi thêm enzyme, chi phí tái chế nhựa PET vẫn đắt hơn so với nhựa nguyên chất được làm mới, giống như các phương pháp tái chế nhựa hiện có. Tuy nhiên, phương pháp mới cho chất lượng thành phẩm tốt hơn, Stephan nhấn mạnh.