Công nghệ chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu: Vì một tương lai xanh
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 với chủ đề Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh chính là cảm hứng cho nhiều sáng chế vì môi trường. Tiêu biểu trong số đó là công nghệ chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu của Phòng thí nghiệm Fujitsu.
Theo ghi nhận trên thế giới, số lượng chất thải được tạo ra mỗi ngày là rất lớn. Các quốc gia có thu nhập cao chỉ chiếm 16% dân số thế giới nhưng lại tạo ra tới khoảng 34% (khoảng 683 triệu tấn) chất thải.
Trong các nhà máy sản xuất lớn thì việc kiểm soát và quản lý chất thải có thể dễ dàng vì việc điều tiết được quản trị theo quy trình đồng bộ. Tuy nhiên tại quy mô nhỏ như các văn phòng làm việc hay các hộ gia đình thì đây lại là một vấn đề. Một văn phòng làm việc hiện đại có thể tạo ra một lượng lớn chất thải từ thiết bị điện tử cỡ nhỏ đến trung bình, hay đơn giản là các bao bì nhựa của thiết bị văn phòng. Những chất thải này không dễ phân hủy nên việc tái chế đúng cách nó cũng là điều khó khăn.
Công nghệ chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu: Vì một tương lai xanh
Để giải quyết vấn đề này, đối tác của dự án WIPO GREEN là Fujitsu Limited, một công ty công nghệ thông tin và truyền thông của Nhật Bản đã cho phát triển công nghệ chuyển đổi nhựa thải thành nhiên liệu. Công nghệ này không chỉ được sử dụng trong các văn phòng làm việc mà còn sử dụng được cho cả các nhà máy, xí nghiệp lớn.
Được biết, công nghệ này dựa trên phương pháp hóa lỏng nhựa thải, xử lý các vật liệu phế thải thường không tái chế hoặc không tái chế được thành nhiên liệu tái sử dụng. Các vật liệu đó có thể là sản phẩm làm từ các loại nhựa khác nhau khó chia tách, chẳng hạn như máy tính xách tay hoặc nhựa trộn với các nguyên tố kim loại như cáp máy tính, bàn phím, chuột, các vật liệu đóng gói không thể tái chế. Ưu điểm của công nghệ này là có thể loại bỏ nhựa một cách hiệu quả và thu hồi kim loại quý hiếm từ chất thải sau quá trình bị hóa lỏng.
Công nghệ bao gồm: một thùng phân tách lớp để lưu trữ nhựa thải nóng chảy; một bộ phận làm nóng chính để làm nóng nhựa thải từ bề mặt dưới đế của thùng phân tách lớp; một bộ phận làm nóng thứ hai để làm nóng nhựa thải từ bề mặt trên của thùng phân tách lớp; một bình làm mát để làm mát khí của quá trình phân tách bị bay hơi, là sản phẩm phụ của quá trình phân tách dầu
Công nghệ sử dụng điều khiển đối lưu, giảm chênh lệch nhiệt độ giữa đáy nhựa nóng chảy và bề mặt chất lỏng. Điều này dẫn đến việc giảm diện tích hóa hơi và bù lại năng lượng đã mất.
Theo các chuyên gia, công nghệ này mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường. Nó có thể giúp giảm CO2 và các tác động môi trường khác thông qua việc chuyển từ đốt rác sang tái chế. Không chỉ vậy nó còn sản xuất năng lượng thông qua chuyển đổi chất thải nhựa thành dầu có thể được sử dụng làm nhiên liệu đồng thời phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt như các kim loại hiếm.
Bằng việc phát triển công nghệ chuyển đổi chất thải nhựa thành nhiên liệu, công ty Fujitsu hy vọng việc tái chế rác thải trở nên thiết thực hơn, làm cho quá trình này trở nên dễ tiếp cận và phổ biến hơn ở cấp vi mô (một văn phòng làm việc); khuyến khích các công ty trên toàn thế giới tiếp cận, sử dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa và sản xuất nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu văn phòng như sưởi ấm, điều hòa không khí hoặc phát điện. Công nghệ này còn mang lại lợi ích kinh tế cao, đặc biệt là giúp người dùng chủ động trong sản xuất năng lượng, tránh phụ thuộc vào biến động của thị trường.
Công ty Fujitsu cam kết đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả việc xây dựng một xã hội theo định hướng tái chế. Kể từ khi gia nhập WIPO GREEN năm 2017, công ty Fujitsu đã đăng ký hơn 500 tài sản sở hữu trí tuệ liên quan đến môi trường trên cơ sở dữ liệu trực tuyến của WIPO GREEN, bao gồm cả công nghệ hóa lỏng nhựa thải.