Tin tức

Phát hiện vi khuẩn ăn nhựa mới

Ngày 22-07-2019 Lượt xem: 858

Các nhà nghiên cứu tìm thấy một chủng vi khuẩn mới có thể phá vỡ khối xây dựng hóa học của polyurethane, loại polymer dùng để sản xuất nhựa PU

 

Polyurethane được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, từ sản xuất vật liệu xây dựng, giày dép đến các thành phần của đồ gia dụng hay bánh xe. Loại polymer này được đánh giá cao vì tính chất nhẹ, cách điện và linh hoạt, nhưng tái chế nó lại tốn nhiều năng lượng. Hầu hết nhựa PU sau khi sử dụng bị thải ra các bãi chôn lấp, nơi chúng có thể giải phóng nhiều loại độc tố gây ung thư.

Nhằm giải quyết vấn đề nan giải về ô nhiễm rác thải nhựa, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz ở Leipzig, Đức, do nhà khoa học Hermann J. Heipieper dẫn đầu, đã tìm thấy giải pháp từ vi sinh vật. Trong lúc khảo sát cộng đồng vi khuẩn sống trên rác thải nhựa, nhóm nghiên cứu đã xác định được một chủng vi khuẩn mới, được đặt tên là Pseudomonas sp. TDA1, có khả năng phá vỡ liên kết hóa học của polyurethane.

Trong thực tế, Pseudomonas sp. TDA1 ăn các hợp chất thiết yếu của polyurethane. "Chúng sử dụng các hợp chất này như một nguồn carbon, nitơ và năng lượng duy nhất", Heipieper cho biết trong một thông cáo báo chí. "Phát hiện này có thể là giải pháp tiềm năng giúp tái chế và tái sử dụng các sản phẩm nhựa PU".

Bên cạnh đó, chủng vi khuẩn mới là một dạng của sinh vật ái cực, có nghĩa nó có thể sinh trưởng trong điều kiện vật lý hay địa hóa học khắc nghiệt đến nỗi có thể gây hại cho đa phần sự sống trên Trái Đất. Pseudomonas sp. TDA1, theo nhóm nghiên cứu, có khả năng chống lại độc tố.

Heipieper cùng các cộng sự hy vọng việc giải mã bộ gene sẽ tiết lộ các enzyme ngoại bào (exoenzyme) mà vi khuẩn sử dụng để kích hoạt phản ứng sinh hóa để phân hủy vật chất. Nếu nghiên cứu thành công, các nhà khoa học có thể "lập trình" vi khuẩn để làm tăng hiệu quả phân hủy polyurethane.

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Microbiology hôm 27/3